Giáo dục thông minh là một xu thế mới của giáo dục thế giới. Nhằm xây dựng quốc gia thông minh, nhiều quốc gia đã hướng đến xây dựng nền giáo dục thông minh để đào tạo các thế hệ công dân thông minh. Là mô hình trường học tiên tiến, trường học thông minh (THTM) tạo cơ hội và điều kiện để nhà trường tăng cường năng lực thích ứng, phát triển cân bằng trước những biến đổi nhanh chóng của xã hội nói chung; người học được khám phá và kiến tạo tri thức, phát triển năng lực tự chủ và thích ứng, tư duy sáng tạo thông qua những hướng dẫn sư phạm có tính cá biệt hóa, phù hợp với đặc điểm và nhu cầu cá nhân [1]; tăng tầm quan trọng, độ tin cậy, tăng tính hữu ích, tính linh hoạt của nội dung chương trình giảng dạy. Việc ứng dụng công nghệ thông minh cho giáo dục nhà trường đã định hình lại cảnh quan giáo dục bằng cách chuyển đổi nội dung và phương thức tiếp nhận/cung cấp học tập cũng như cách thức các hướng dẫn, hỗ trợ, tổ chức, quản lí nhà trường [2].
Ở Việt Nam, những yếu tố của mô hình THTM xuất hiện cách đây chưa lâu. Do vấn đề còn khá mới mẻ nên thông tin về các nghiên cứu liên quan ở Việt Nam còn tản mạn. Một nghiên cứu để làm rõ ý nghĩa, bản chất và đặc điểm của mô hình THTM có ý nghĩa lí luận và thực tiễn nhằm nâng cao năng lực thích ứng và chất lượng giáo dục nhà trường. Từ đó, nghiên cứu rút ra bài học kinh nghiệm cho phát triển THTM ở Việt Nam hiện nay.