TP.HCM mở rộng mô hình ‘Trường học thông minh, an toàn, không dùng tiền mặt’

TTO – Ngày 11-9, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết mô hình quản lý “Trường học thông minh, an toàn, không dùng tiền mặt” sau 2 năm triển khai thí điểm. Hướng sắp tới sẽ mở rộng mô hình này khắp 24 quận, huyện.

Cô Kim Oanh, hiệu trưởng Trường THCS Trần Bội Cơ (Quận 5, TP.HCM) tìm hiểu thẻ đa năng thông minh – Ảnh: T.THƯƠNG

Năm 2018, sở đã phối hợp với các đơn vị tiến hành khảo sát tình hình triển khai đề án thẻ tại 12 trường học, với 6 môđun chức năng: điểm danh học sinh, chấm công giáo viên, máy bán hàng tự động, tương tác học đường, quản lý căn tin, thanh toán phí và học phí.

Lắp đặt thiết bị triển khai thử nghiệm tại 2 trường: Trường THCS Lý Thánh Tông (Q.8), Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình).

Sau 2 năm, thẻ học đường thông minh giúp việc quản lý trường học trở nên đơn giản, tiết kiệm và thông minh hơn; đảm bảo an toàn và thông báo nhanh tình hình học sinh đến phụ huynh và giáo viên; tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, giúp các em hình thành tư duy về chi tiêu, hỗ trợ cha mẹ trong việc giáo dục kỹ năng sống….

Ông Nguyễn Xuân Đắc, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, cho biết trường triển khai mô hình này từ năm 2019, đã có 1.754 thẻ đa năng cho học sinh, giáo viên toàn trường.

Từ đó việc quản lý điểm danh, việc theo dõi ra vào trường của phụ huynh, học sinh hào hứng khi sử dụng thẻ thanh toán không tiền mặt từ mua hàng ở căn tin, máy bán hàng tự động .

Tương tự, lãnh đạo của phòng GD-ĐT Q.8 cũng đánh giá mô hình này mang lại nhiều tín hiệu tốt, năm học  2020-2021 sẽ nhân rộng ở 100% trường học trên địa bàn quận.

Định hướng triển khai mở rộng, ông Lê Hoài Nam, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, chỉ đạo mỗi quận, huyện đăng ký trước hết ít nhất một trường để làm mô hình này, và gợi ý các trường đăng ký với phòng tài chính, để họp phụ huynh sắp tới để tuyên truyền chủ trương.

“Mình tuyên truyền trước chứ không thể nói “rụp” một cái là làm được ngay. Cho nên hôm nay họp trước, chắc chắn giữa tháng này sẽ họp phụ huynh thì đây là một nội dung các hiệu trường phải tuyên truyền, phổ biến đến từng phụ huynh, khuyến khích lấy video các trường làm cho phụ huynh xem.

Hai trường đã làm được thì các trường còn lại rất thuận lợi, mình có sản phẩm rồi, mình giới thiệu các trường thì sẽ rất thuyết phục. Làm sao trong năm nay chúng ta triển khai được nhiều. Các trường có điều kiện phải làm theo hướng chủ trương, chủ trương ra rồi, quyết định UBND TP phê duyệt, chỉ đạo rồi, không làm không được.”, ông Nam nhấn mạnh.

Được biết, mô hình “Trường học thông minh an toàn, không dùng tiền mặt” là thực hiện chủ trương xây dựng xã hội không dùng tiền mặt, cụ thể hóa nội dung đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025”.

Tuy nhiên để triển khai và tiếp tục mở rộng mô hình này trong thời gian sắp tới cần phải có sự phối hợp các bên liên quan, tăng cường hơn nữa với phụ huynh học sinh, xây dựng lộ trình cần phù hợp với thực tế cơ sở vật chất từng trường.

Kết quả thử nghiệm ở hai trường, cho được dữ liệu như sau:

– Có hơn 120.000 lượt học sinh/tháng điểm danh;

– Có 1.270 lượt học sinh/ tháng sử dụng thẻ thông minh đi xe đưa đón;

– Có cung cấp bình quân 15.337 suất ăn/tháng phục vụ cho học sinh bán trú, thực đơn chi tiết và giờ ăn được thông báo tức thời đến phụ huynh; thanh toán không tiền mặt qua máy bán hàng tự động là 3.730 lượt giao dịch/ tháng;

– Thực hiện chấm công cho 100% giáo viên sử dụng thẻ ra vào;

– Gần 130.000 lượt tương tác học đường trong mỗi tháng (trên 50% phụ huynh và 100% giáo viên đã được kích hoạt sử dụng kênh tương tác).

Theo tuoitre.vn

CÁC TIN TỨC KHÁC