Những bài học kinh nghiệm để phát triển trường học thông minh ở việt nam hiện nay

Việt Nam có nhiều cơ hội để triển khai mô hình THTM. Hiện nay, nhiều tỉnh đã xây dựng đề án hoặc đang thí điểm triển khai mô hình này như: Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh, Thái Bình, Hải Phòng… Một trong những địa phương đã thực hiện chuyển đổi theo hướng THTM thành công là thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh với mô hình nhà trường có lớp học thông minh. Mô hình này được thí điểm đầu tiên tại Trường Tiểu học Vĩnh Khê từ năm học 2003-2004. Đến nay, huyện Đông Triều có 79/79 trường học (từ trường mầm non đến trường trung học phổ thông) có lớp học thông minh, mỗi trường có ít nhất là 1 lớp học thông minh. Những khó khăn trong quá trình chuyển đổi sang mô hình trường học mới với những thách thức về ứng dụng công nghệ hiện đại là điều không thể tránh khỏi trong điều kiện thực tế Việt Nam hiện nay. Từ những nghiên cứu về THTM và thực tiễn thành công chuyển đổi, phát triển THTM của một số nước trên thế giới, các bài học kinh nghiệm hữu ích định hướng cho Việt Nam là:

1. Xây dựng chiến lược phát triển mô hình trường học thông minh ở Việt Nam

Chiến lược phát triển THTM là căn cứ quan trọng để định hướng hệ thống giáo dục và cộng đồng quan tâm tích cực đối với mô hình này. Đó là cơ sở để có sự đầu tư về tài chính, chuẩn bị các điều kiện sư phạm cần thiết cho THTM. Từ đó, thống nhất ý chí, niềm tin, định hướng và thúc đẩy hành vi cho các nhà quản lí, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và cộng đồng đối với mô hình THTM. Nghiên cứu THTM ở Malaysia cho thấy, phát triển THTM là chiến lược cấp quốc gia đã huy động được sức mạnh tổng lực để thành công trong triển khai mô hình THTM vào thực tiễn; ở New Y ork là chiến lược của giáo dục bang New York từ đó có những chính sách tài chính công và phân chia trách nhiệm giữa chính quyền, các cơ quan quản lí nhà nước về giáo dục với các trường rất rõ ràng. Do vậy, để phát triển mô hình THTM ở Việt Nam, cần có sự đồng thuận, vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương để cùng với ngành giáo dục hiện thực hóa mô hình trường học tiên tiến này.

2. Triển khai các nghiên cứu lí luận và thực tiễn về phát triển trường học thông minh trong điều kiện Việt Nam hiện nay

Để làm được điều này, các cơ quan quản lí nhà nước về giáo dục giữ vai trò quan trọng. Các nghiên cứu về THTM trên phương diện lí luận và thực tiễn cần được đầu tư và triển khai nhằm xác định đúng đắn bản chất, đặc điểm, yêu cầu để phát triển THTM. Những nghiên cứu, phân tích về mô hình trường học hiện tại, xác định khoảng cách giữa điều kiện và trình độ của Việt Nam so với yêu cầu, đặc điểm của THTM, từ đó tìm kiếm các con đường, phương thức thực hiện khả thi cho Việt Nam.

3. Xây dựng và thiết kế chưong trình giảng dạy thông minh

Nhằm tạo ra môi trường tương tác thông minh cho người học, THTM cần có chương trình giảng dạy thông minh có tính tổ hợp cao, linh hoạt và có tính mở. Nội dung chương trình đáp ứng yêu cầu cung cấp kiến thức nền tảng, phát triển năng lực người học đáp ứng yêu cầu của người lao động trong xã hội hiện đại với bối cảnh ứng dụng sâu rộng công nghệ hiện đại. Chương trình phải được xây dựng theo hướng làm tăng hứng thú học tập, tăng khả năng học tập cho người học, tăng tính hiệu quả của chương trình. Trên cơ sở đó, THTM tạo ra môi trường học tập tích cực, người học có thể học với các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với nhu cầu và tốc độ cá nhân.

4. Chuân bị chu đáo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu của trường học thông minh

Đội ngũ giáo viên thông minh là yếu tố quyết định thành công của THTM. Vấn đề đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu THTM được đặt ra một cách tất yếu. Ở Malaysia, New York, Phần Lan đã tiến hành tập huấn, bồi dưỡng và phát triển năng lực giáo viên theo nhiều giai đoạn kế tiếp có tính đến đặc điểm về trình độ giáo viên, văn hóa bản địa,. Cần thiết phải có đánh giá thực trạng giáo viên về số lượng, chất lượng theo các tiêu chuẩn, tiêu chí giáo viên trong THTM; xác định nhu cầu và phương thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam. Để dạy học hiệu quả trong lớp học thông minh, giáo viên cần phải: có chuyên môn vững vàng, có năng lực sư phạm hiện đại, năng lực công nghệ để sử dụng, phối hợp các thiết bị thông minh trong giảng dạy và hỗ trợ học sinh học tập. Bên cạnh đó, giáo viên phải xây dựng các chiến lược giảng dạy và hỗ trợ học tập phù hợp với từng đối tượng học sinh để các em có thể được học theo tốc độ và nhu cầu phù hợp với các hình thức học tập rộng mở. Giáo viên cần có phương pháp giảng dạy đa dạng, ưu tiên các phương pháp dạy học tăng tính trải nghiệm, khám phá cho học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên cần có ý tưởng sáng tạo và luôn khuyến khích học sinh sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có kĩ năng cộng tác và truyền thông tốt. Đặc biệt là có khả năng thúc đẩy và thu hút học sinh học hỏi, khám phá và sáng tạo. Và như thế, giáo viên phải có ý thức và không ngừng phát triển nghề nghiệp liên tục.

5. Phát triển lãnh đạo, quản lí trường học thông minh

Lãnh đạo và quản lí nhà trường có vai trò quan trọng trong việc truyền cảm hứng, thực hiện chia sẻ tầm nhìn và dẫn dắt, hỗ trợ cho các thành viên nhà trường chuyển đổi từ sư phạm truyền thống sang sư phạm thông minh. Thực hiện chuyển đổi mô hình trường học đòi hỏi lãnh đạo, quản lí nhà trường phải công nhận và sử dụng “sức mạnh của công nghệ” để nâng cao hiệu quả học tập của học sinh; đồng thời “sử dụng thời gian, tài chính và nhân viên hiệu quả hơn”. Bên cạnh đó, cần làm rõ mô hình nhân cách của lãnh đạo, quản lí trường học thông minh; lập kế hoạch trong đó xác định cụ thể mục tiêu và lộ trình cụ thể cho đào tạo và bồi dưỡng lãnh đạo, quản lí THTM (Schrum và Levin, 2009). Lãnh đạo, quản lí THTM cần phát triển hệ thống năng lực như: 1) Năng lực lập kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường theo các giai đoạn của mô hình THTM; 2) Năng lực lãnh đạo, điều hành giáo viên tiếp cận với các nguồn lực để phát triển liên tục nghề nghiệp; 3) Năng lực kết nối và tạo lập mối liên hệ giữa các thành viên, tổ chức trong và ngoài nhà trường; 4) Năng lực hỗ trợ và cố vấn cho giáo viên, cán bộ nhà trường; 5) Năng lực thích ứng và sử dụng công nghệ hiện đại trong quản lí và lãnh đạo nhà trường; 6) Năng lực huy động hiệu quả các nguồn lực để phát triển THTM; 7) Năng lực phân tích và giải quyết vấn đề, hóa giải kịp thời những khó khăn phát sinh trong hoạt động của nhà trường; 8) Năng lực chia sẻ, tạo động lực tham gia hoạt động sư phạm thông minh cho các thành viên nhà trường. Các cán bộ lãnh đạo và quản lí nhà trường cần có nhận thức đúng đắn và xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng cho mình một cách phù hợp.

6. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông minh

Đây là các yếu tố điều kiện quan trọng, ảnh hưởng đến việc triển khai hoạt động sư phạm thông minh, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giảng dạy của giáo viên, học sinh cũng như công tác quản lí các nhà trường. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông minh phục vụ hoạt động sư phạm thông minh của nhà trường cần được nghiên cứu, kế hoạch hóa hoạt động đầu tư, xác định và lựa chọn các hạng mục đầu tư để đảm bảo các yếu tố đồng bộ, chất lượng, hiệu quả, bền vững. Hệ thống máy tính có nối mạng Internet, bảng tương tác, bục giảng thông minh, máy tính bảng cá nhân cho học sinh, hệ thống băng thông rộng chất lượng cao, hệ thống các phần mềm dạy và học, hệ thống các phần mềm quản lí, hệ thống camera giám sát và điều khiển các hoạt động của nhà trường, … là những hạng mục cần được xem xét để đầu tư cho nhà trường.

7. Xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển trường học thông minh

Chính sách hỗ trợ phát triển THTM là hữu ích cho quá trình chuyển đổi, duy trì và phát triển bền vững các yếu tố của THTM. Sự chuyển đổi sang THTM là quá trình chuẩn bị về nhân lực, vật lực, tài lực để đáp ứng những yêu cầu mới. Do vậy, cần có những chính sách hỗ trợ về pháp lí, chính sách khuyến khích phát triển THTM; chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ nhà trường thông minh, chính sách hỗ trợ phát triển nghề nghiệp cho giáo viên THTM, chính sách huy động cộng đồng hỗ trợ và giám sát THTM, chính sách phát triển quản lí thông minh trường học….

CÁC TIN TỨC KHÁC